Điều đầu tiên mình muốn chia sẻ, đó là thực sự mình rất ghét cụm từ xin việc. Đời này chả có gì phải xin cả, đi làm là một hình thức trao đổi giá trị không khác gì mua sắm. Bên bán là bán giá trị chất xám, thời gian, sức lực, thậm chí là sắc đẹp :)) Bên mua dùng tiền, phúc lợi, môi trường làm việc, sự đào tạo, sự thăng tiến, công danh, những lời hứa hẹn về tương lai, tóm lại là một chuỗi các giá trị nào đó để đổi lại những giá trị kia.
Tùy vào từng thời điểm mà cung cầu có sự biến động khác nhau. Thời điểm kinh tế kém phát triển, người thì nhiều, việc thì ít, ứng viên nhiều như BOT => nhà tuyển dụng là vua là chúa. Thời điểm kinh tế nở rộ, người người start up, nhà nhà khởi nghiệp, nhà tuyển dụng suốt ngày kêu ca là tìm ứng viên khó hơn tìm con mụ trốn trong rân => ứng viên chảnh chọe, yêu sách. Tuy biến động như vậy, nhưng theo quy luật bàn tay vô hình, thị trường luôn có tác động để kéo mọi thứ về cân bằng, cung cầu hòa hợp, nhà tuyển dụng và ứng viên đứng ở vị trí ngang bằng nhau, cùng trao đổi giá trị có ích với nhau. Lúc đó thì chúng ta chỉ nên dùng những cụm từ như “Tìm việc”, “Ứng tuyển công việc”. Đối với những người hiểu rõ giá trị của mình, họ sẽ không dùng từ “Xin việc”.
Vậy, tại sao tôi lại vẫn dùng cụm từ “Xin việc” ở tiêu đề. Đó là vì bài viết này tôi dành riêng cho các bạn trẻ (sinh viên, mới ra trường, thậm chí là cả các bạn không trẻ) đang loay hoay, chưa biết làm thế nào để tìm được một công việc tốt. Bài này không dành cho các bạn đã giỏi nghề, đã có công việc tốt, đã hiểu được giá trị của bản thân.
Hàng ngày tôi đều nhận được Inbox của các bạn trẻ, xin được tư vấn về nghề nghiệp hoặc định hướng tương lai. Chưa một lần nào tôi bỏ qua những tin nhắn như vậy, chưa một tin nhắn nào tôi trả lời một cách hời hợt. Vì tôi cực kì thông cảm với những bạn trẻ đó, tôi thấy hình ảnh của mình 5-6 năm trước. Đối với các bạn ấy, dùng cụm từ “Xin việc” có vẻ là hợp lí, vì
- Các bạn chưa có nhiều giá trị để trao đổi
- Các bạn không biết đâu là những giá trị đáng để đem ra trao đổi
- Các bạn không biết làm sao để có được những giá trị đó
Vì 3 lí do đó, nên các bạn vẫn phải đi xin việc, và luôn tự hỏi làm sao để người ta tuyển mình. Vì vậy, mình viết bài này muốn share 1 số góc nhìn để các bạn đỡ loay hoay.
Có một quy luật khá nổi tiếng: CON GÀ-QUẢ TRỨNG”. Không có gà thì không có trứng, nhưng không có trứng thì lấy đâu ra gà, vậy con gì có trước con gì có sau. Quy luật này hiểu đơn giản là những vòng lặp không có hồi kết. Và quy luật này rất giống với trường hợp “XIN VIỆC-KINH NGHIỆM. Không có việc thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiêm thì không có việc. Có một câu nói đùa phổ biến trong giới sinh viên, đó là “AI CŨNG ĐÒI KINH NGHIỆM THÌ SINH VIÊN CHÚNG TÔI CHẾT ĐÓI HẾT À”. Và cách giải quyết vòng lặp này, chỉ có một cách là bạn phải chấp nhận hy sinh 1 chút.
Có người đã nói rằng, thực chất ở VN tỉ lệ thất nghiệp là 0%. Ý là thực tế, không có người thất nghiệp, chỉ có người chê việc lương thấp không làm. Vậy nên bạn chỉ cần chấp nhận làm lương thấp, thậm chí là không lương để làm thực tập sinh, để được hướng dẫn chỉ bảo. Nhưng có 1 lưu ý quan trọng, KEYWORD để cách học này thành công, đó là bạn phải tìm được một Cty có team sẵn, có lead giỏi. Họ đang thiếu một nhân sự làm công việc đơn giản nào đó, bạn vào đóng góp 1 phần nhỏ trong team. Nếu bạn có khả năng học hỏi tốt, đây chính là cơ hội để bạn tìm kiếm và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Nên tránh các cty mà không có lead giỏi + sẵn sàng chia sẻ. Có nhiều trường hợp các bạn đi làm cả năm nhưng không phát triển được gì. Phần vì không ai hướng dẫn cho các bạn, phần vì các bạn chỉ được giao cho các công việc mang tính chân tay. Phải xác định rõ, công việc đầu tiên này, học hỏi tích lũy kinh nghiệm là ưu tiên hàng đầu chứ không phải là TIỀN.
Sau khoảng 6 tháng-1 năm, rõ ràng là bạn đã trở thành người có kinh nghiệm. Sau đó, nếu ở công ty đó bạn có khả năng phát triển, hãy phấn đấu, tự tin đề xuất xin được thử sức với các nhiệm vụ khó hơn, để phát triển nhiều hơn nữa. Nếu ở cty đó không còn cơ hội học hỏi và phát triển, hãy tự tìm một cơ hội mới. Lúc này, bạn đã là người có kinh nghiệm, hãy tiếp tục tìm một cty lớn hơn để học hỏi nhiều hơn. Một trường hợp khác, bạn không cần đi tìm công ty lớn hơn, bạn có thể tìm một công ty bé thôi cũng được, nhưng bạn được làm lead, được thử những kiến thức mà bạn đã tích lũy. Và đương nhiên, lúc này bạn không cần đi XIN việc nữa, lúc này là tìm việc, và bạn ở vào thế có thể đàm phán về lương được rồi. Cứ thế, qua mỗi lần nhảy việc, kinh nghiệm của bạn lại dày lên, bạn lại lên một level mới, gặp những thử thách mới. Về câu chuyện bao lâu nhảy việc, mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác.
Ngoài ra, còn 1 cách để bạn gia tăng tỉ lệ TÌM được việc, đó là phát triển các giá trị liên quan đến các kĩ năng bổ sung. Ví dụ với một bạn làm digital marketing, kĩ năng bổ sung sẽ là: code, photoshop, quản trị web, excel, giao tiếp… Lưu ý: Cần phân biệt đúng kĩ năng chính và kĩ năng phụ, nó khác nhau với từng nghề. Ví dụ: đối với nghề Design thì PTS không phải kĩ năng bổ sung, đối với nghề telesale thì giao tiếp không phải kĩ năng bổ sung nhé.
Không ít lần, nhà tuyển dụng tuyển một nhân sự đơn giản vì bạn đó biết PTS. Kĩ năng chính về công việc thì lead đào tạo được, chứ mấy kĩ năng bổ sung, thì ai hơi đâu đi đào tạo các bạn => nếu có sẵn thì cực kì tốt. Bạn càng có nhiều giá trị, bạn càng TÌM việc dễ.
Ngoài cách phát triển trong công việc. Tự học hoặc đi học ở các trung tâm đào tạo cũng là một động lực giúp bạn đi nhanh hơn. Ví dụ lớp Digital Master Class của mình có thể giúp tiết kiệm 1-3 năm cho các bạn mới ra trường và muốn vào nghề Digital, các bạn sẽ có tư duy mà những người đi làm bình thường phải vài năm mới tích lũy được, thậm chí là không bao giờ tích lũy được. Nhưng không phải ngành hay lĩnh vực nào cũng có sẵn các trung tâm đào tạo như là ngành Marketing, vì vậy tự học qua các công cụ như sách/internet vẫn là tối quan trọng. Đối với các kĩ năng bổ sung, bạn nên xác định là dành càng nhiều thời gian tự học càng tốt.
Trên đây là đôi dòng lạm bàn, gửi gắm đến các bạn trẻ. Mong mọi người chung tay share, để bài viết đến được với càng nhiều bạn trẻ càng tốt.
Hy vọng, các bạn sẽ không bao giờ phải đi XIN VIỆC nữa